Đức: “Luật nhập cư sửa đổi” bắt đầu có hiệu lực nhằm thu hút lao động tay nghề

Đây là một phần trong kế hoạch cải tổ sâu rộng về chính sách nhập cư của Đức nhằm ứng phó với tình trạng thiếu hụt lao động trầm trọng đang đè nặng lên nền kinh tế lớn nhất châu Âu.

Điều dưỡng là ngành nghề được chào đón ở Đức. Ảnh minh họa

Từ ngày 18/11/2023, những thay đổi đầu tiên trong “Luật nhập cư sửa đổi”, được Quốc hội Đức thông qua mùa Hè vừa qua, nhằm thu hút những lao động có tay nghề từ các quốc gia ngoài Liên minh châu Âu (EU), bắt đầu có hiệu lực.

Các quy định mới sẽ có hiệu lực theo lộ trình ba giai đoạn, bắt đầu từ ngày 18/11/2023; một số sửa đổi tiếp theo sẽ có hiệu lực từ ngày 1/3/2024 và cuối cùng là ngày 1/6/2024.

Đây là một phần trong kế hoạch cải tổ sâu rộng về chính sách nhập cư nhằm ứng phó với tình trạng thiếu hụt lao động trầm trọng đang đè nặng lên nền kinh tế lớn nhất châu Âu.

Trong bối cảnh các nhà tuyển dụng ở Đức đang thiếu hàng trăm nghìn công nhân lành nghề mỗi năm, đặc biệt trong các lĩnh vực như công nghệ thông tin (IT) và công nghệ, chăm sóc y tế, xây dựng, logistic…, luật nhập cư với những quy định sửa đổi sẽ mang lại nhiều cơ hội việc làm cũng như thuận lợi hơn nhiều so với quy định trước đây nhằm thu hút lao động có tay nghề, đồng thời cải thiện tình hình kinh tế của Đức.

Theo những quy định mới vừa có hiệu lực, chính sách nhập cư mới sẽ dựa trên hệ thống tính điểm với 5 tiêu chí: Năng lực chuyên môn, trình độ tiếng Đức, kinh nghiệm nghề nghiệp, các mối liên hệ với nước Đức và độ tuổi.

Cơ chế tính điểm sẽ ưu tiên cho những người có theo thứ tự như 4 điểm được tính cho những người có bằng cấp chuyên môn về một nghề nào đó; 3 điểm cho những người biết nói tiếng Đức hoặc Anh và 2 điểm sẽ được cộng thêm cho những người dưới 35 tuổi.

Nếu tổng số điểm của bạn đạt trên 6 thì bạn sẽ được cấp “Thẻ xanh EU” (giấy phép cư trú tạm thời) mà không cần phải đáp ứng tất cả 5 tiêu chí.

Lợi thế lớn nhất là những lao động có trình độ học vấn hoặc chứng chỉ nghề có thể vào Đức bằng “Thẻ xanh EU” mà không cần yêu cầu về trình độ tiếng Đức. Đặc biệt, đối với lĩnh vực CNTT, công nhân lành nghề không có bằng đại học vẫn có thể nhận được “Thẻ xanh EU” nếu họ chứng minh được rằng họ có ít nhất 3 năm kinh nghiệm chuyên môn liên quan. Điều dưỡng viên được tạo dưới 3 năm cũng được phép tiếp cận thị trường lao động Đức.

Mức lương hiện tại để đủ điều kiện nhận “Thẻ xanh EU” ở Đức là 56.400 euro/năm. Luật mới cũng được điều chỉnh thấp hơn, xuống còn 43,992 euro/năm, đối với các ngành nghề bị thiếu hụt trầm trọng, như các ngành nghiên cứu khoa học, y tế và CNTT…

Trước đây, chỉ có thể xin thẻ tạm định cư Đức để làm việc nếu có chứng chỉ nghề liên quan. Nhưng theo luật mới, bất kỳ ai có chứng chỉ nghề đều có thể tìm kiếm việc làm tại Đức, ngay cả bạn chọn học một nghề khác và không liên quan đến chứng chỉ ban đầu.

Với luật nhập cư mới của Đức, Bộ Nội vụ nước này ước tính có thể thu hút ít nhất 60.000 lao động lành nghề từ các nước ngoài EU mỗi năm./.

 

 

032.690.9339
Liên hệ