Để hòa nhập vào cộng đồng người bản xứ khi đến du học, làm việc hay định cư tại Đức, các bạn cần trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về giao tiếp, tránh những hiểu lầm và “sốc văn hóa” khi sinh sống trong một môi trường hoàn toàn mới
1 . Thường xuyên nói “cảm ơn” và “xin lỗi”
Trong văn hóa giao tiếp ứng xử của người Đức, không tiếc nói lời cảm ơn hoặc xin lỗi là một thói quen từ xa xưa đến tận ngày nay. Khi nói chuyện với người Đức, các bạn không nên xem nhẹ thói quen này. Tuy không có một quy chuẩn nào cho việc bắt buộc bạn phải nói cảm ơn hay xin lỗi, nhưng đây được coi là một luật bất thành văn trong giao tiếp, thể hiện bạn là con người lịch sự, tích cực và có trách nhiệm.
Việc nói lời xin lỗi ở Đức không hẳn là nhận rằng bạn sai mà nó sẽ thể hiện thái độ cầu tiến, tích cực của bạn trong vấn đề. Việc chủ động học hỏi thói quen và những nét đẹp trong văn hóa của nước sở tại sẽ làm gia tăng thiện cảm từ các giáo viên, đồng nghiệp và bạn bè bên cạnh.
- Sẵn sàng nói lời từ chối một cách khéo léo và rõ ràng với những vấn đề bạn không đồng ý
Ở Việt Nam, đại đa số mọi người đều ngại đưa ra lời từ chối mà chỉ ậm ừ cho xong việc đối với những vấn đề họ không thật sự muốn. Tuy nhiên ở Đức, người ta thường có xu hướng từ chối những vấn đề này một cách thật rõ ràng và lịch sự. Cho dù đó là công việc mà cấp trên giao cho, hay là đồng nghiệp bạn bè nhờ giúp đỡ. Người Đức nổi tiếng trong việc tôn trọng các quyền cá nhân, nên bạn hoàn toàn có thể từ chối mà không gặp phải sự phản đối hoặc kỳ thị của đối phương. Tuy nhiên, trước khi từ chối, bạn cũng cần phải cân nhắc xem mình có khả năng làm hay không, đừng vội từ chối nếu bạn chưa xem xét kỹ.
- Tranh luận một cách khách quan
Trong cuộc sống chắc chắn không thể tránh khỏi những trận tranh luận, dù là trong môi trường học đường, công sở hay đời sống sinh hoạt thường ngày. Trong khi giao tiếp với người Đức trong những trường hợp trên, các bạn có thể tự do thể hiện quan điểm cá nhân của mình, bởi nước Đức cũng như các quốc gia khác tại Châu Âu đều có văn hóa tranh luận rất tốt và nổi bật. Mọi ý kiến của mỗi người đều sẽ được ghi nhận và hoan nghênh. Tuy nhiên, người Đức xem xét, nhìn nhận một vấn đề theo nhiều khía cạnh khách quan, nên mỗi khi bày tỏ quan điểm của mình, bạn cũng nên nêu ra mặt tốt và cả mặt xấu, không nên chỉ áp đặt suy nghĩ của mình cho riêng một vấn đề, không nên giữ cái tôi quá lớn và quá bảo thủ trong việc tiếp thu ý kiến đóng góp của người khác.
Nếu vấn đề của bạn bị người khác phản biện lại, bạn nên cố gắng lắng nghe trước và tiếp thu theo chiều hướng tích cực khi những phản biện đó là đúng. Hiểu và hòa nhập được với văn hóa tranh luận của người Đức sẽ góp phần giúp các bạn du học sinh dễ dàng dung hòa vào môi trường mới vì các bạn có thể thấu hiểu những điều đối phương đang nghĩ và ngược lại.
- Tôn trọng sự riêng tư của cá nhân
Sống khá khép kín và ít khi chia sẻ một cách thoải mái về cuộc sống riêng là một trong những nét đặc biệt của dân Đức. Người Đức sẽ không thấy vui vẻ khi những người không mấy thân thiết dò hỏi quá nhiều về những vấn đề cá nhân của họ.
Không giống như ở Việt Nam, người ta có thể sẽ dễ dàng bỏ qua nếu bạn nhỡ hỏi quá nhiều và quá sâu về một vấn đề riêng tư nào đó, nhưng người Đức có thể sẽ phật lòng vì những điều này. Khi sang Đức du học, các bạn du học sinh nên chú ý đến điểm văn hóa này để tránh gây khó chịu cho giảng viên, đồng nghiệp và bạn bè.
- Giữ khoảng cách với đồng nghiệp
Hai khái niệm bạn bè và đồng nghiệp ở Đức khá rạch ròi, chính vì thế bạn nên cư xử đúng mực với những người làm chung với mình, hạn chế chia sẻ về những vấn đề riêng tư. Tuy nhiên, nếu bạn có những người đồng nghiệp thân thiết và trở thành bạn bè của nhau thì thỉnh thoảng bạn cũng có thể kể một vài câu chuyện của riêng mình, nhưng nhớ là đừng quá nhiều vì chẳng ai muốn phải phiền não vì những chuyện riêng của người khác cả.
- Không ngại đặt câu hỏi
Khi mới bắt đầu sinh sống tại Đức và các nước phương Tây nói chung, do ảnh hưởng từ nền văn hóa phương Đông nên các bạn người Việt thường ngại đặt câu hỏi khi chưa hiểu rõ vấn đề. Tuy nhiên, người Đức rất coi trọng người có chí tiến thủ và ham học hỏi, chính vì vậy các bạn đừng ngần ngại trong việc đặt câu hỏi trong môi trường học đường và cả môi trường công sở.
- Văn hóa khi dự tiệc
Đức nổi tiếng là một quốc gia có văn hóa ứng xử văn minh lịch thiệp. Để ghi điểm với người bản xứ, bạn nên nắm vững những nguyên tắc sau:
Không tự tiện đổi chỗ ngồi và không ngồi khi chưa được mời
Hãy để chủ nhân của bữa tiệc nâng ly trước
Không đặt khuỷu tay lên bàn khi mọi người đang ăn uống
Đặt nĩa bên trái và dao ăn ở bên phải, khi ăn xong hãy đặt nĩa và dao song song ở phía bên phải.
Cố gắng ăn hết thức ăn trong đĩa, đừng bỏ dở vì ở Đức bạn sẽ bị đánh giá là bất lịch sự hoặc kém tinh tế vì chuyện này.
- Cách xưng hô
Khi xưng hô với những người lần đầu tiên gặp hoặc những người lớn tuổi hơn mình, các bạn đừng nên bỏ qua danh xưng “Ngài” (Sie) để thể hiện sự tôn trọng.
- Hôn vào má khi chào hỏi không áp dụng cho tất cả mọi người
Ở Đức, người ta chỉ hôn vào má khi chào hỏi những người thân thiết. Văn hóa này thường không phù hợp trong môi trường công việc, trừ khi bạn và đồng nghiệp của mình thật sự rất thân thiết với nhau.
Khi đến du học, làm việc và sinh sống tại bất kỳ quốc gia nào, bạn cũng cần trang bị cho mình những kiến thức về giao tiếp để hòa đồng với lối sống và văn hóa tại đó, hy vọng bài trên sẽ giúp các bạn có thêm thông tin để dễ hòa nhập vào cộng đồng người bản xứ.
Nếu bạn quan tâm tới du học Đức, Du học nghề Đức, chuyển đổi bằng, làm việc và định cư tại Đức hoặc có câu hỏi liên quan tới bài viết hoặc cần tư vấn, hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn miễn phí.
CÔNG TY TNHH HALLO
Văn phòng Giao dịch: Số 1 đường Hồng Đức, Khu đô thị Cựu Viên, phường Bắc Sơn, quận Kiến An, thành phố Hải Phòng.
Hotline/ Zalo : 032.690.9339 – 096.238.8256
Email: support@HalloVietnam.vn
Văn phòng tại Đức:
Phone : +4915224250472
Địa chỉ : Senftenauerstraße 50, 80689 Mūnchens